Lượt xem: 624

Nông dân Lê Văn Nhớ vượt khó làm kinh tế giỏi

Khởi nghiệp với không ít khó khăn, vất vả, thế nhưng từ ý chí vượt khó đã giúp anh Lê Văn Nhớ - xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề vươn lên làm giàu chính đáng, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình nuôi trâu kết hợp nuôi trùn quế.

    Với 1 đàn trâu cùng với 30 công đất ruộng và 5 trại trùn quế gần 1.000m2 đã giúp anh Lê Văn Nhớ có nguồn thu nhập trên 10 triệu đồng mỗi tháng. Đây là một khoảng thu nhập rất khá đối với những người làm nông ở thôn quê. Tuy nhiên, để có được nguồn thu nhập và cơ ngơi như vậy, là cả một quá trình cần mẫn phấn đấu, những tháng ngày thiếu thốn, vất vả mà vợ chồng anh đã cố gắng chịu đựng và vượt  qua.

    Chị Nguyễn Thị Bích Thùy - vợ anh Lê Văn Nhớ chia sẻ: “Khi kết hôn, gia đình 2 bên cũng khó khăn, nên vợ chồng tôi phải làm lụng cực khổ, tích lũy vốn từ từ rồi mua được 1 con trâu, tận dụng rơm rạ, đất trống để trồng cỏ làm thức ăn cho trâu, nhờ vậy mà tiết kiệm được chi phí, rồi trâu sinh sản như ngày nay”.


Anh Lê Văn Nhớ thành công với mô hình nuôi trùn quế. Ảnh Phương Anh

    Cả tài sản của gia đình anh chị vào năm 2005 chỉ vỏn vẹn 1 con trâu, qua hơn 10 năm đã gần 15 con trâu to khỏe. Tuy nhiên, nguồn thu nhập chính của anh Nhớ lại là mô hình phía sau đàn trâu này. Anh Nhớ chia sẻ: “Tôi nuôi trâu được một thời gian dài, nhận thấy nguồn phế phẩm phân trâu nhiều, bỏ thì phí lại còn ô nhiễm môi trường, trong một lần tình cờ biết được mô hình nuôi trùn quế nên tôi thực hiện. Ban đầu do thiếu vốn đầu tư, nên tôi chỉ mua 100 kg sinh khối về nuôi thử nghiệm, sau hơn 1 tháng thấy trùn phát triển tốt nên từ từ nhân rộng ra. Vậy là mỗi năm gia đình đều tăng diện tích nuôi trùn, từ vài trăm mét vuông nuôi trùn ban đầu, hiện nay tôi đã mở rộng diện tích gần 1.000m2.

    Kiên trì với mục tiêu của mình, giờ đây mô hình nuôi trùn quế của gia đình anh Nhớ không chỉ người dân địa phương biết đến, mà thông qua mạng xã hội, nhiều khách hàng ở các tỉnh lân cận cũng tìm đặt mua trùn sinh khối, trùn thịt. Với nhiều hữu ích nên sản phẩm từ trùn quế ngày càng được bà con nông dân sử dụng  trong chăn nuôi và trồng trọt. Sản phẩm từ trùn quế của gia đình anh hiện không đủ cung cấp ra thị trường.

    Hiện nay mỗi tháng, anh Nhớ cung cấp ra thị trường hàng trăm kg trùn thịt, với giá 80.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn bán sinh khối với giá 20.000/kg và phân trùn bán với giá 2.000 đồng/kg để làm phân bón cho cây trồng. Tổng nguồn thu nhập từ trùn quế hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Đó là chưa kể đến những khoảng thu nhập khác như từ làm ruộng, nuôi chim cúc và nuôi thỏ. “Mình là nông dân nên phải tích cực lao động thì mới thoát nghèo mà làm giàu trên chính quê hương, xứ sở của mình được. Ban đầu tôi nuôi trùn quế ai cũng ngại vì sợ không có đầu ra, nhưng tôi vẫn quyết tâm và cuối cùng tôi cũng đã thành công. Hiện trùn quế được rất nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tìm mua và nhiều bà con đến tham quan học hỏi. Đó chính là thành công lớn nhất sau nhiều năm phấn đấu” - anh Nhớ vui vẻ cho biết thêm.

    Xuất phát từ sự siêng năng, cần mẫn, với quyết tâm chinh phục khó khăn, cùng với tinh thần dám nghĩ, dám làm để phát triển cái mới, đã giúp anh Nhớ thành công với mô hình mình đã chọn, để từng ngày xây dựng cuộc sống ấm no trên chính mảnh đất quê hương của mình

Phương Anh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 50
  • Hôm nay: 7969
  • Trong tuần: 78,676
  • Tất cả: 11,801,996